G-2SS5KDXDJ9.

Công chứng di chúc

9.1. Trình tự thực hiện:

- Bước 1: Người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng;

- Bước 2: Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc;

Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó;

Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật công chứng nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng;

Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó.

Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.

- Bước 3: Người yêu cầu công chứng nộp phí; thù lao công chứng, chi phí khác (nếu có) theo quy định, nhận kết quả công chứng

* Văn bản công chỉ có hiệu lực khi được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng

9.2. Cách thức thực hiện:

- Thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

- Việc công chứng có thể thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.  

9.3. Thành phần hồ sơ

Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng và xuất trình bản chính để đối chiếu. Hồ sơ gồm có các giấy tờ sau đây:

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng di chúc;

- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến công chứng di chúc mà pháp luật quy định phải có, cụ thể:

+ Giấy chứng nhận kết hôn; văn bản cam kết tài sản riêng (nếu đã có vợ chồng mà vợ chồng có thỏa thuận về tài sản trong thời kỳ hôn nhân); giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (đối với trường hợp chưa kết hôn hoặc trường hợp có đăng ký kết hôn nhưng đã ly hôn, chưa có kết hôn mới hoặc trường hợp có đăng ký kết hôn nhưng vợ/chồng đã chết, chưa kết hôn mới hoặc trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và vẫn chung sống với nhau mà chưa đăng ký kết hôn).

+ Giấy tờ tùy thân của người làm chứng trong trường hợp có nhân chứng.

+ Giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật

- Dự thảo di chúc (nếu có)

Bản sao nêu trên là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực

9.4. Thời hạn giải quyết:

- Vụ việc đơn giản không quá 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Vụ việc phức tạp cần phải tiến hành xác minh, phối hợp với các cơ quan có liên quan thì thời hạn giải quyết không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

9.5. Đối tượng thực hiện TTHC: Tổ chức, cá nhân yêu cầu công chứng

9.6. Cơ quan thực hiện TTHC: Tổ chức hành nghề công chứng

9.7. Kết quả thực hiện TTHC: Văn bản công chứng

9.8. Phí công chứng; thù lao công chứng, chi phí khác (nếu có):

- Phí công chứng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên.

- Thù lao công chứng: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND ngày 19/8/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng Ban hành mức trần thù lao công chứng, chi phí khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

- Chi phí khác: Do tổ chức hành nghề và người yêu cầu công chứng thỏa thuận (trên cơ sở tổ chức hành nghề công chứng niêm yết rõ nguyên tắc tính chi phí khác và có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về các chi phí cụ thể đó).

9.9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không

9.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC:

- Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc

-Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.

9.11. Căn cứ pháp lý của TTHC

+ Bộ luật dân sự năm 2015

+ Luật Công chứng.

+ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/03/2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng

+ Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng năm 2014.

+ Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên.

+ Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND ngày 19/08/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành mức trần thù lao công chứng, chi phí khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Chia sẻ:
Tin liên quan